Nên cho trẻ sử dụng điện thoại hay không?

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước. Bởi vậy việc giáo dục thế hệ trẻ luôn là vấn đề được coi trọng ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia. Đặc biệt là trong thời đại công nghệ khi trẻ em được tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử như smartphone, laptop, máy tính bảng. Việc giáo dục để trẻ không bị lạm dụng vào các thiết bị công nghệ đó đang là vấn đề nan giải.

Trẻ sử dụng điện thoại thông minh
Trẻ sử dụng điện thoại thông minh

Smartphone, dịch ra từ Tiếng Anh có nghĩa là điện thoại thông minh. Cuộc sống hiện đại ngày nay là kỉ nguyên của công nghệ, khi đâu đâu cũng thấy smartphone, người người nhà nhà dùng smartphone. Vì vậy, với những gia đình có trẻ nhỏ, đâu đó những người bố người mẹ vẫn còn phân vân rằng, liệu có nên cho con trẻ dùng smartphone? Đây là câu hỏi không khó, nhưng cần áp dụng vào thực tiễn một cách đúng đắn. Cùng Chăm nhà phân tích vấn đề để tìm ra lời giải.

Không phủ nhận lợi ích của smartphone

Những năm thập niên 2000 trở về trước, Chăm nhà được chứng kiến chiếc điện thoại đầu tiên trong đời mình. Đó giống như chiếc Nokia đời cũ với bàn phím bé tí tẹo và chi chít những dãy số. Chỉ có chức năng nghe gọi và nhắn tin thôi nhưng mình cũng thấy đi trước thời đại biết bao nhiêu.

Trải qua hàng chục năm tiến hóa, công nghệ ngày càng phát triển với những sản phẩm vô cùng thông minh. Chiếc smartphone với những tính năng hiện đại ra đời đã thức tỉnh nhân loại, đưa con người trên khắp mọi miền trái đất này gần nhau hơn. Smartphone tựa như kho tàng kiến thức vượt thời gian của nhân loại. Chỉ cần một cú nhấp, một thao tác trên màn hình là có thể tìm hiểu được bao nhiêu thứ. Không khó hiểu vì sao những ông bố bà mẹ tỏ ra sốt ruột khi cho con mình dùng điện thoại và lại càng lo lắng khi không cho trẻ dùng điện thoại liệu có ổn không? Sử dụng smartphone rất có lợi cho sự phát triển trí não của trẻ, nhưng dùng như thế nào đó mới là vấn đề.

Smatphone giúp trẻ không bị tụ hậu

Smartphone là cầu nối giúp trẻ tiếp xúc gần hơn với công nghệ. Một đứa trẻ sinh ra trong thời hoàng kim của nhân loại khi công nghệ là thứ vũ khí quan trọng nhất trên mọi mặt trận, thì việc cho trẻ dùng điện thoại thông minh là việc rất cần thiết. Những đứa trẻ được tiếp xúc sớm với smartphone sẽ không bị tụt hậu so với thời đại.

Phát triển trí thông minh từ sớm

Thao tác trên smartphone còn giúp trẻ phát triển bộ não, nhất là trẻ đang ở độ tuổi từ 6 tuổi trở lên. Công nghệ nó là thứ cần được tiếp xúc ở độ tuổi sớm thì khả năng hiểu và thao tác mới tốt. Không khó hiểu khi con trẻ tiếp thu các thao tác trên điện thoại rất nhanh còn những ông bố bà mẹ của chúng ta đôi khi hiểu rất chậm và lại quên nhanh nữa.

Trẻ chủ động tìm kiếm thông tin

Điện thoại thông minh là thiết bị có khả năng kết hợp nhiều chức năng như nghe gọi thoại và video, chụp ảnh, định vị, tra cứu thông tin trên internet. Bên cạnh đó, điện thoại thông minh còn chứa rất nhiều ứng dụng hữu ích cho con trẻ như: youtube, học chữ cái, nghe nhạc, đọc sách…Do đó, tiếp xúc sớm với điện thoại thông minh giúp trẻ chủ động tìm kiếm các thông tin mới, các tài liệu học tập để rèn luyện khả năng tự học, tự tìm tòi khám phá của trẻ.

Trẻ liên lạc với bạn bè dễ dàng

Với chiếc điện thoại thông minh, ba mẹ không còn nhức đầu mỗi lần trẻ đòi đến đến nhà bạn chơi nữa, mà chính trẻ có thể gọi trực tiếp cho bạn bè của mình. Trên chiếc điện thoại thông minh có hai chức năng nghe gọi rất hiện đại là gọi thoại và gọi video (có hình ảnh). Trẻ có thể nhìn thấy hình ảnh của bạn, chơi đùa cùng bạn ngay trên chiếc điện thoại.

Giải trí

Điện thoại thông minh cũng có thể download nhiều ứng dụng game, giải trí góp phần làm trẻ thư giãn sau những ngày học tập căng thẳng trên trường. Nhiều ba mẹ cho rằng, game trên điện thoại tiềm ẩn nguy cơ làm cho con của họ bị nghiện và không chú ý học hành. Nhưng không, trò chơi thông minh sẽ không làm con trẻ bị nghiện hay lệ thuộc vào điện thoại nếu như ba mẹ biết cách quản lý cho trẻ sử dụng những thời điểm thích hợp. Kể cả người lớn, nếu chơi game quá nhiều cũng sẽ bị lệ thuộc nếu không biết dừng lại đúng lúc. Cho nên, vấn đề không chỉ nằm ở chiếc điện thoại, mà phụ thuộc vào cách quản lý của phụ huynh là phần lớn.

Định vị vị trí của trẻ

Điện thoại thông minh ngày nay đã được tích hợp nhiều tính năng có lợi cho người dùng, đặc biệt là chức năng định vị. Chức năng này giúp phụ huynh chúng ta dễ dàng tra cứu vị trí hiện tại của trẻ và tránh được các tình huống không may xảy ra như trẻ trốn nhà, thất lạc…

Quản lý trẻ tốt hơn

Nếu như quay trở lại những năm đầu của thế kỷ 21, chúng ta sau mỗi giờ tan ca phải chạy về thật nhanh để gặp con. Thì ngày nay, chúng ta dù ở bất cứ đâu, chỉ cần chiếc smartphone có kết nối internet là có thể liên lạc về nhà xua đi nỗi nhớ xa con.

Hay những đứa trẻ lớn tự chơi, tự học ở nhà, những lúc đi vắng, ba mẹ có thể gọi về hỏi thăm tình hình của con và kịp xử lý nếu trường hợp không may xảy ra. Điều này giúp phụ huynh chúng ta bớt đi nỗi lo canh cánh khi để con trẻ ở nhà một mình.

Ngoài việc cho trẻ dùng điện thoại thông minh, phụ huynh nên lắp đặt camera ở nhà để việc theo dõi và quản lý trẻ được tốt hơn.

Hệ lụy nghiêm trọng

Smartphone-chiếc điện thoại thông minh đã phát huy vai trò của nó như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta và cả con trẻ. Sử dụng smartphone sớm giúp trẻ tiếp xúc với công nghệ sớm và phát triển trí thông minh cho trẻ. Tuy nhiên, không phải cứ “ném” cho trẻ chiếc điện thoại là đồng nghĩa với việc đang giúp trẻ mà cần có plan (kế hoạch) cụ thể. Minh chứng cho việc phụ huynh không có kế hoạch là trẻ sử dụng điện thoại với tần suất quá nhiều khiến trẻ lệ thuộc vào nó. Điều này dẫn đến những hệ lụy rất nghiêm trọng trong cuộc đời trẻ:

Ảnh hưởng bộ não

Bộ não trẻ em nhất là các bé đang độ tuổi quá nhỏ từ 4 đến 6 tuổi còn non nớt và dễ bị tổn thương từ các tác động bên ngoài. Trong khi đó, điện thoại trong quá trình sử dụng sẽ tỏa ra lượng bức xạ có thể ảnh hưởng đến não của trẻ nếu chúng sử dụng quá nhiều.

Đôi điều về bực xạ điện thoại di dộng, vào năm 2016, giảng viên Đại hoc Colombia, Newyork, Hoa Kỳ, Martin Blank chuyên nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ lên con người cho rằng: Bức xạ của thiết bị viễn thông (bao gồm điện thoại) có kết nối không dây gây tổn thương tế bào, dẫn đến nhiều bệnh tật hơn cho con người. Điều này dường như làm cả thế giới rất hoang mang vì điện thoại di động là thiết bị bất ly thân của mỗi con người.

Tuy nhiên, đến năm 2018, cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra kết luận: không đủ bằng chứng cho rằng bức xạ điện thoại di động gây nhiều bệnh tật lên con người, đặc biệt là bệnh ung thư như các nghiên cứu trước đã đề cập. Bằng cách thí nghiệm trên loài chuột, các nhà khoa học của Viện sức khỏe và môi trường quốc gia (NIH) Hoa Kỳ đã kết luận rằng, không thấy bằng chứng về bức xạ điện thoại gây khối u não lên loài chuột. Như vậy, các bức xạ phát ra từ điện thoại không có khả năng tổn hại đến các tế bào của con người và không có khả năng gây bệnh nguy hiểm như u não, ung thư.

Từ kết luận trên, chúng ta thấy rằng, cho trẻ sử dụng điện thoại di động không gây ảnh hưởng xấu đến não bộ của trẻ. Tuy nhiên não bộ trẻ có khả năng hấp thụ lượng bức xạ nhiều hơn người lớn nên Chăm nhà khuyên bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia. Hoặc để an toàn cho trẻ, bạn chỉ nên để trẻ tiếp xúc với smartphone khi trẻ từ 6-7 tuổi trở lên, với tần suất 1-2 lần trong ngày, giới hạn mỗi lần sử dụng từ 30-45 phút.

Ảnh hưởng thị lực

Mắt của chúng ta thường rất nhạy cảm với những tác nhân gây hại như bụi bẩn, ánh nắng quá gắt và đặc biệt là ánh sáng xanh phát ra từ màn hình thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng. Việc nhìn vào màn hình quá lâu sẽ làm mắt chúng ta bị khô và mỏi. Bên cạnh đó, thói quen để điện thoại sát mắt lâu dần làm tổn thương mắt, khiến chúng yếu hơn, nhanh khô và nhức mỏi.

tre em dung dien thoai thong minh khong dung cach gay hai thi luc
Trẻ dùng điện thoại không đúng cách sẽ gây hại thị lực

Đôi mắt long lanh mà yếu ớt của con trẻ cần lắm sự bảo vệ từ những người bố người mẹ như chúng ta. Do đó, bạn luôn phải sát cánh và giám sát con không để chúng dí chặt vào màn, nhắc nhở con chớp mắt thường xuyên.

Giám sát, nhắc nhở con là biện pháp quản lý rất tốt. Tuy nhiên, con trẻ không phải cứ nói là chúng sẽ nghe lời và làm theo. Vì trí não chúng rất thông minh, luôn tư duy xem điều người lớn nói là gì. Vì thế, chúng ta cần giải thích về lợi và hại khi dùng điện thoại bằng những ngôn từ và ví dụ dễ hiểu để con tự ý thức bảo vệ mình.

Nguy cơ trầm cảm

Chắc hẳn những ông bố bà mẹ chúng ta đều hiểu con trẻ cũng dễ mắc bệnh trầm cảm tự kỷ tương tự người lớn. Bệnh trầm cảm khá phổ biến nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Câu hỏi đặt ra tại sao trẻ lại dễ trầm cảm khi dùng điện thoại? Về bản chất, điện thoại không gây ra chứng trầm cảm ở trẻ. Mà nguyên nhân chính là do trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều nên lâu dần bị phụ thuộc vào nó, không được dùng điện thoại là không chịu được, trở nên dễ cáu gắt hơn.

tre em nghien dien thoai de mac benh tram cam
Trẻ nghiện smartphone dễ mắc bệnh trầm cảm

Vấn đề này hoàn toàn có thể khắc phục được. Ba mẹ nên giáo dục con trẻ dùng điện thoại đúng lúc đúng thời điểm. Giám sát không để trẻ không “chăm chăm” vào điện thoại bằng cách tạo ra những trò chơi thú vị hoặc những công việc nhỏ như nhặt rau, nấu cơm, chơi xếp hình, múa hát cùng trẻ. Không những vậy, trẻ em còn có cơ hội phát triển trí thông minh và tình cảm khi được chơi cùng ba mẹ. Thay vì bỏ mặc trẻ bơ vơ cùng chiếc điện thoại, bạn cần dành nhiều thời gian chuyện trò và chơi đùa cùng trẻ.

Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ

Điện thoại thông minh đã tạo ra sân chơi vô cùng thú vị cho con trẻ. Con trẻ thoải mái khám phá những trò chơi mới và tự tìm hiểu thông tin cho riêng mình. Tuy nhiên, điện thoại cũng tồn tại những mặt trái vì thông tin, hình ảnh,  video thường được công khai. Trẻ tò mò hiếu động có thể vô tình bắt gặp những hình ảnh, thông tin thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng tâm sinh lý non nớt của trẻ.

Mặc dù vậy nhưng không phải không có cách giải quyết. Nếu không có thời gian theo dõi con,  bạn có thể cài đặt bảo mật hoặc chọn chế độ trẻ em trên các ứng dụng, ví dụ như chọn chế độ xem cho trẻ em trên ứng dụng youtube để hạn chế lượng thông tin mà trẻ không may gặp phải.

Tuy vậy, việc ngăn cấm mà không cho trẻ biết lí do sẽ làm chúng trở nên không tin tưởng ba mẹ. Việc bảo vệ trẻ đúng đắn nhất là bạn phải giáo dục con mình. Thường xuyên truyền thông tin đúng đắn cho con để chúng nắm bắt tâm sinh lý bản thân cũng như hiểu biết về con người và thế giới xung quanh mình.

Xao lãng học hành

Trẻ được tự do chơi điện thoại thường sẽ chểnh mảng việc học hành. Vì đối với trẻ, điện thoại luôn là thứ gì đó hấp dẫn khó cưỡng với vô vàn trò chơi lý thú cùng vô vàn chương trình thiếu nhi vui nhộn. Nếu để trẻ chơi điện thoại với tần suất quá nhiều lần trong một ngày hoặc trong một thời gian dài thì sẽ làm cho trẻ quen dần với việc luôn có điện thoại bên mình. Từ đó làm trẻ xa dần việc học. Điện thoại đem đến cho trẻ những điều mới lạ và kì diệu mà cuộc sống đời thường trẻ chưa từng tiếp xúc. Tuy nhiên, nếu để trẻ chơi điện thoại quá nhiều và không có lý do chính đáng dẫn đến tình trạng nghiệm smartphone, lúc đó trẻ rất dễ chểnh mảng sa sút trong học tập.

trẻ em dùng điện thoại quá nhiều dễ xao lãng học hành
Trẻ dễ xao lãng học hành do nghiện smartphone

Giảm khả năng tư duy

Trẻ em xem các chương trình trên điện thoại quá nhiều sẽ làm bộ não chúng tư duy chậm hoặc không tư duy. Chăm nhà thường bắt gặp nhiều trường hợp con trẻ mắt đờ đẫn nhìn màn hình điện thoại. Người lớn biết dừng lại đúng lúc, nhưng con trẻ lại không như vậy. Chúng dán mắt vào màn hình điện thoại đến mức chúng cũng không ý thức được chúng đang theo dõi cái gì.

Đây là hội chứng thường gặp ở những người hay lướt điện thoại trong vô thức mà bản thân họ cũng không biết mình đang xem cái gì. Những lúc như vậy, tay thì lướt, mắt thì chăm chăm màn hình nhưng não đã ngủ quên lúc nào không hay. Với trẻ em, bỏ mặc trẻ như vậy rất nguy hiểm và ảnh hưởng quá trình phát triển tư duy sau này của các con. Giải pháp là ba mẹ nên thống nhất với nhau kế hoạch cho con dùng điện thoại một cách hợp lý nhất. Đừng để chiếc điện thoại vô hình chung đánh mất tương lai của con.

Lười vận động

Trẻ nghiện điện thoại thông minh sẽ lười vận động
Trẻ nghiện smartphone sẽ lười vận động

Một đứa trẻ không được dùng điện thoại thường sẽ tham gia hoạt động bên ngoài nhiều hơn đứa trẻ dùng điện thoại. Lý do vì sao ư? Quá rõ ràng khi trên điện thoại có quá nhiều trò chơi, quá nhiều video hoạt hình khiến chúng không thể rời mắt. Chúng sẵn sàng nằm hay vừa ăn vừa xem điện thoại hơn là ra ngoài và chơi đùa cùng các bạn. Đó là biểu hiện không đúng với một đứa trẻ bình thường. Vì vậy, tốt nhất cho trẻ tham gia nhiều hoạt động bổ ích bên ngoài như bơi lội, ca hát, vẽ tranh. Hoặc ba mẹ phải dành thời gian vui chơi cùng trẻ. Kể cả bạn đang làm việc nhà hay đang bận rộn deadline công việc, bạn có thể kéo trẻ cùng làm với mình bằng cách tạo ra các việc làm cho trẻ như: cùng nấu ăn, cùng lau dọn nhà cửa, cùng trẻ làm toán….rất nhiều cách để thay đổi con trẻ.

Thực trạng dùng smartphone ở trẻ em Việt Nam

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy cứ 10 em thì có 7 em sử dụng điện thoại thường xuyên. Trong số đó, phần lớn trẻ em dùng điện thoại để chơi game, phần nhỏ còn lại dùng để xem các chương trình TV và giải trí khác. Trẻ em Việt Nam được ba mẹ cho tiếp xúc điện thoại từ rất sớm thường là độ tuổi 3 tuổi trở lên.

Nguyên nhân do đâu?

Những ông bố bà mẹ chúng ta chắc hẳn thường xuyên đối mặt với tình trạng con ương bướng, nũng nịu, dỗ dành bao nhiêu cũng không được. Mỗi lần như thế, bạn sẽ tìm cách thấu hiểu và dỗ dành chúng hay bạn ném cho chúng chiếc smartphone là xong chuyện?

cho tre em choi dien thoai thong minh khong dung cach
Trao đổi điện thoại với trẻ

Không khó hiểu khi một bộ phận phụ huynh ngày càng lạm dụng smartphone như một cách “trao đổi” với con trẻ. Con không nghe lời thì cho chơi điện thoại. Con không chịu ăn cơm cũng cho xem điện thoại. Cách này tưởng chừng như vô hại nhưng vô hình chung biến những đứa trẻ thành một cỗ máy được lập trình sẵn. Khi con được ba mẹ cho sử dụng điện thoại nhiều lần mà không có lý do chính đáng, chúng sẽ hình thành thói quen lạm dụng điện thoại và phụ thuộc vào nó. Điện thoại thông minh chỉ đúng với tên gọi khi nó được sử dụng một cách hợp lý. Đặc biệt với con trẻ còn non nớt chưa nhận thức được những mối nguy hại từ chiếc điện thoại thông minh. Chúng đơn giản chỉ là thấy vui, thấy hấp dẫn thì chúng mê mà thôi.

Nhìn vào các số liệu thống kê, luôn thấy được rằng, trẻ vị thành niên là đối tượng sử dụng smartphone nhiều nhất trong các độ tuổi trẻ em. Đây là giai đoạn phải nói là “khó chiều” nhất trong cuộc đời trẻ. Vì ở độ tuổi này, trẻ vừa ý thức được mình không còn là trẻ con những cũng muốn được tự do như một người lớn thực thụ. Chúng thích được riêng tư, độc lập không muốn sự giám sát kè kè của ba mẹ. Cũng vì thế mà ba mẹ sẽ khó khăn trong việc nhắc nhở chúng. Trẻ vị thành niên không được quan tâm đúng cách, chúng sẽ trở nên không nghe lời và ngày càng lạm dụng smartphone như một người bạn thân nhất của nó. Trẻ nghiện smartphone cũng trở nên ít nói, ít chia sẻ với ba mẹ. Tình trạng này kéo dài có thể khiến trẻ dễ mắc chứng trầm cảm, tự kỷ.

Mặt khác, một số phụ huynh do không có kiến thức đúng đắn trong nuôi dạy trẻ. Khi trẻ đòi chơi điện thoại, họ không kìm lòng được đành buông xuôi theo ý muốn của nó. Cách này nhìn qua có vẻ họ là những người quá thương con nên chiều theo ý con một chút. Tuy nhiên, bạn biết không? Đứa trẻ là tấm gương phản chiếu bạn. Bạn dỗ dành nó không đúng cách, bạn yếu lòng mỗi khi nó cáu gắt thì trẻ càng không nghe lời bạn.

Giải pháp cho chúng ta

Để tình trạng nghiện điện thoại không bao giờ xảy đến với con của bạn, cách tốt nhất là bạn phải trang bị cho mình kiến thức nuôi dạy con. Đừng trách con bướng bỉnh, đừng trách con không nghe lời. Những đứa trẻ đó cần được quan tâm và thấu hiểu đúng cách thì chúng mới mở lòng với bạn. Bạn nên quan sát con để hiểu con cần gì chứ không phải chiều theo ý muốn của nó.

Chiếc smartphone luôn mang lại cho con trẻ những điều lý thú. Hãy sử dụng nó như một cách kích thích trẻ tư duy và phát triển chứ không phải một phương tiện đổi lấy sự nghe lời từ trẻ. Ba mẹ không nên ngăn cấm tuyệt đối mà hay giải thích rõ cho con hiểu điện thoại có những gì và con được sử dụng những gì.

Bên cạnh đó, nếu con trẻ ở gần những ba mẹ nghiện smartphone chúng cũng sẽ bắt chước theo. Vì vậy, hơn ai hết, bạn cần làm gương cho con trẻ. Nếu có việc dùng đến điện thoại hãy giải thích cho con hiểu, đừng lạnh lùng nói với con rằng “kệ ba mẹ”, hay “không phải việc của con”.

Ba mẹ nghiện điện thoại không quan tâm con cái
Ba mẹ nghiện điện thoại không quan tâm con cái

Nếu bạn chăm chú theo dõi bài viết này của mình, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên vì không ít hơn 5 lần mình nhắc đi nhắc lại việc ba mẹ cần chơi với con trẻ. Có thể ngay lập tức bạn thốt lên “Ôi, chúng tôi bận lắm làm sao chơi với nó?”. Nhưng bạn biết không, chúng ta sinh con ra không phải chỉ nuôi dưỡng nó trưởng thành về mặt thể xác, mà quan trọng hơn cả vẫn là xây dựng một nhân cách một tâm hồn đẹp. Khoa học cũng chứng minh, con cái được chơi đùa với ba mẹ sẽ phát triển trí não và tâm hồn một cách toàn diện hơn so với những đứa trẻ phải lủi thủi một mình. Hơn thế nữa, bạn sáng tạo được nhiều trò chơi bổ ích, con sẽ hứng thú với bạn hơn là dính lấy chiếc smartphone kia.

Ba mẹ nên dành thời gian vui chơi cùng con trẻ
Ba mẹ nên dành thời gian vui chơi cùng con trẻ

Nhiều người góp ý rằng, nên tuyệt đối không cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh. Cách này về mặt lâu dài có vẻ không hiệu quả. Vì thứ nhất, điện thoại thông minh cũng đem lại cho trẻ những lợi ích đáng kể như mình đã phân tích ở trên. Trái lại không cho trẻ tiếp xúc với công nghệ phải chăng là thiệt thòi cho trẻ? Thứ hai, bạn có chắc chắn mình không bao giờ cầm điện thoại lướt facebook trước mặt con? Không nên cấm tuyệt đối không cho trẻ sử dụng smartphone. Thay vào đó hãy cho trẻ sử dụng với liều lượng phù hợp như: không quá 2 lần/ngày, 30 phút cho mỗi lần sử dụng. Cách này vừa giúp trẻ vừa làm quen với công nghệ hiện đại vừa giúp ba mẹ kiểm soát con tốt hơn.

Trẻ mấy tuổi được dùng điện thoại thông minh?

nen cho tre em dung dien thoai thong minh luc may tuoi
Mấy tuổi thì cho trẻ dùng điện thoại thông minh

Đây là câu hỏi được rất nhiều ông bố bà mẹ quan tâm. Liệu khi con bao nhiêu tuổi thì mới cho con dùng điện thoại. Độ tuổi đẹp nhất được các chuyên gia đánh giá là từ 10 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này trẻ đã có kiến thức nhất định về bản thân cũng như thế giới xung quanh. Từ 10 tuổi trở lên trẻ có thể nhận thức và khoanh vùng nội dung mà mình sẽ xem trên điện thoại.

Tuy nhiên nếu trẻ dưới 10 tuổi thì phải cấm? Thực chất trẻ xem chương trình gì và với thời lượng bao lâu là điều quyết định có nên cho trẻ dùng điện thoại. Do đó với những em từ 6 đến 10 tuổi hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại nếu ba mẹ biết cách quản lý tốt. Tuy nhiên, ba mẹ nên cài đặt các chế độ bảo mật hoặc chế độ trẻ em trên các ứng dụng mà trẻ thường xuyên dùng để bảo vệ con trước những thông tin và hình ảnh không lành mạnh.

Nên mua điện thoại nào cho trẻ

Những điều phân tích ở trên cho thấy, rất cần thiết trong việc cho trẻ tiếp cận công nghệ từ sớm. Vậy nên cho trẻ sử dụng điện thoại gì cũng là câu hỏi mà nhiều phụ huynh trăn trở.

điện thoại thông minh
Điện thoại thông minh

Trẻ em cũng có nhu cầu tìm kiếm thông tin hình ảnh như người lớn. Nếu chỉ cho chúng dùng điện thoại “cục gạch” (chỉ có chức năng nghe gọi nhắn tin) thì khiến chúng rất chán nản và hạn chế thao tác của trẻ. Với điện thoại thông minh có màn hình cảm ứng, trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm nhiều ứng dụng khác nhau như youtube, game giúp chúng làm quen với công nghệ hiện đại và phát triển tư duy. Do đó những suy nghĩ như cho trẻ dùng “cục gạch” để trẻ không “hư” còn là quan điểm sai làm và chưa toàn diện. Nếu bạn có ý định dành tặng con một chiếc smartphone thay vì dùng chung với ba mẹ, bạn có thể lựa chọn những smartphone tích hợp các tính năng nghe gọi video mà không cần thiết phải có tính năng quá cao siêu.

Lời kết

Đọc đến đây chắc hẳn bạn đã có lượng kiến thức đủ để trả lời cho câu hỏi có nên cho trẻ dùng smartphone và dùng ở độ tuổi bao nhiêu. Là những ông bố bà mẹ trong thời hiện đại, chúng ta cần có kiến thức và kĩ năng nuôi dạy trẻ không những để quản lý trẻ sử dụng smartphone mà còn để giáo dục nhân cách và tâm hồn cho trẻ. Việc trẻ dùng smartphone hay không, không quan trọng bằng việc chúng ta giáo dục chúng đúng cách hay không.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Chăm Nhà - chamnha.com
Logo
Enable registration in settings - general
Compare items
  • Total (0)
Compare
0